Vào lúc 9h sáng ngày 18/12/2010, hội trường nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM đã “bùng nổ” bởi tiếng vỗ tay của các bạn trẻ trong ngày hội Báo Thanh Niên nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập. Ngày hội được tổ chức nhằm giới thiệu và trao giải những gương mặt trẻ đã đọat giải trong cuộc thi “Nếu tôi là tổng biên tập báo Thanh Niên”, đồng thời đây cũng là dịp độc giả trẻ – các bạn sinh viên – giao lưu với những nhà báo, phóng viên kì cựu. Buổi lễ thu hút hàng trăm sinh viên đến từ các trường đại học đến tham dự.
“Nếu tôi là tổng biên tập báo Thanh Niên”...
Là cuộc thi vận động đóng góp ý tưởng cho báo Thanh Niên nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập, cuộc thi “Nếu tôi là tổng biên tập báo Thanh Niên” thu hút hơn 150 thí sinh ở nhiều độ tuổi tham dự, trong đó sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học chiếm đa số. Cuộc thi là sân chơi mới, tạo điều kiện cho các bạn trẻ yêu thích tờ báo, nghề báo có dịp trải nghiệm thú vị cùng hoạt động của báo.
Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông phát biểu khai mạc
Cuộc thi đón nhận những giải pháp hết sức thiết thực, mang tầm chiến lược cao của những bạn trẻ chưa hề một lần tiếp xúc với không khí tòa soạn, với cương vị là tổng biên tập. Những bài dự thi bộc bạch, thể hiện khao khát làm “trẻ hóa” tờ báo của thế hệ tương lai. “Phải chăng tờ báo Thanh Niên của mình đã già hơn tuổi 25?”. Câu hỏi ấy không chỉ là băn khoăn trăn trở của tổng biên tập Nguyễn Quang Thông mà là của tất cả những ai đam mê nghề báo và thực sự mong muốn những lối đi mới hơn, trẻ hơn cho tờ báo.
Cuộc thi đã tìm ra ba gương mặt triển vọng trong “Ban Biên tập trẻ”. Đó là 2 đại diện đến từ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM: bạn Trần Thị Duyên(Giải nhất), sinh viên năm 4 khoa Báo chí và truyền thông; bạn Phạm Bá Diệp(Giải nhì), sinh viên khoa Văn học và ngôn ngữ; và một đại diện đến từ trường Đại học Ngoại Thương cơ sở 2 – bạn Nguyễn Thị Kim Khuyên(Giải nhì). Các bạn đã trải qua một ngày làm việc với cương vị là một Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập báo Thanh Niên. Cảm nhận chung với cả ba gương mặt trẻ với cương vị này là: “rất khó”. “Với một áp lực rất lớn về thời gian, tin bài, và phải đảm bảo sức khỏe; với một lịch làm việc bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 12 giờ khuya, mình cảm thấy đang sống một nhịp sống khác với thường ngày”, bạn Duyên chia sẻ.
Thí sinh Trần Thị Duyên - giải nhất cuộc thi giao lưu khán giả
Cô bạn đến từ trường Ngoại Thương cơ sở 2 thì tâm sự: “Lần đầu tiên trong đời nguyên một ngày mình được gọi là sếp. Sáng hôm sau thức dậy mình cảm thấy như vừa thoát khỏi một giấc mơ. Trước ngày trọng đại đó, mình vô cùng háo hức, trông đợi; để rồi khi trải nghiệm áp lực mình mới nhận ra và càng cảm thấy ngưỡng mộ các nhà báo hơn. Mình tin tưởng vào sự phát triển vững mạnh của Thanh Niên.”
Còn chàng trai duy nhất của bộ ba thì nhận xét: “Rất thú vị. Mặc dù lúc đầu mình cảm thấy khá căng thẳng với ánh đèn, camera, rồi sếp... nhưng trải nghiệm một ngày với Thanh Niên vô cùng thú vị”.
Bên cạnh những nhỏ to tâm sự về trải nghiệm thú vị của cuộc thi, các bạn còn nhận được những câu hỏi giao lưu thú vị đến từ những bạn sinh viên tham dự xoay quanh dự định tương lai, phương hướng học tập, bí quyết để thành công... Tất cả tạo nên một không khí giao lưu thân tình giữa những người trẻ với nhau.
Ngày hội báo Thanh Niên – 25 năm một chặng đường
Bên cạnh việc trao giải và giới thiệu các gương mặt “Ban Biên tập trẻ”, ngày hội còn là dịp các độc giả trẻ hiểu biết thêm và tờ báo mang tên thế hệ mình thông qua buổi trò chuyện giao lưu với các nhà báo, phóng viên kì cựu.
“Mỗi buổi sáng, khi các bạn đang cầm trên tay tờ báo Thanh Niên hay truy cập vào các website của báo, đó cũng là lúc chúng tôi bắt đầu một vòng quay mới của công việc làm ra sản phẩm báo chí. Hãy cùng chúng tôi hòa vào dòng chảy tin tức để cảm nhận một ngày của báo Thanh Niên”. Tổng Biên tập Nguyễn Quang Thông đã mở đầu cho video “ Một ngày ở Báo Thanh Niên” thay cho lời chào cũng như một lời mời gọi tham gia vào chuyến phiêu lưu tìm hiểu đời sống của một nhà báo là như thế nào. Đó là những buổi giao ban quan trọng quyết định thông tin cho tờ báo của hôm sau. Những hình ảnh cận cảnh chi tiết về những hoạt động tác nghiệp của các phóng viên cũng được thể hiện rõ: khó khăn, vất vả, gai góc, nguy hiểm; ở tất cả các lĩnh vực, bất kể trong nước hay nước ngoài, bất kể là nam hay nữ. Các hoạt động của trang tin tiếng Anh, trang tin trực tuyến, các chương trình tương tác trực tiếp với bạn đọc, tiếp nhận ý kiến bạn đọc cũng được chú trọng.
Bên cạnh những hoạt động thuộc lĩnh vực báo chí còn có các hoạt động khác phục vụ xã hội như giải bóng đá U21 báo Thanh Niên, tiếp xúc với bạn đọc, học bổng Nguyễn Thái Bình, cứu trợ lũ lụt miền trung, “Nguồn sáng cho đời”, “Trái tim trẻ thơ”, xây nhà nhân ái, chương trình “Tư vấn mùa thi”... Hoạt động phong trào văn nghệ cũng là một chương trình nổi bật, gây được tiếng vang cho báo như “Duyên dáng Việt Nam”, “Khát vọng trẻ”.
Kế đến là phần giao lưu rất được mong đợi với 4 nhà báo trẻ nhưng có thâm niên kinh nghiệm nhiều năm trong nghề: Việt Phương, Như Lịch, Hoài Nam và Đỗ Hùng. Mỗi người một vẻ, một câu chuyện khác nhau về những cái duyên vào nghề cho đến những khó khăn hiểm nguy nhiều mặt trong quá trình công tác, không chỉ là khó khăn về tính mạng, về sức khỏe mà còn trong chuyện gia đình, tình cảm. Với ngọn lửa yêu nghề luôn rực cháy trong tâm cảm, những nhà báo đối mặt với nguy hiểm, vượt qua nó để đem lại nguồn thông tin cho bạn đọc chính xác, kịp thời.
Hỏi về cơ duyên chọn nghề báo, nhà báo Đỗ Hùng nói: “Là một người tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế ngành tiếng Anh, không có liên quan tới báo chí, nhưng cuộc đời run rủi đưa tôi đến với nghề. Từ Quảng Trị vào Nam sinh sống, tôi làm đủ thứ nghề để sống, qua đó chứng kiến nhiều chuyện bất bình. Tôi viết bài gửi các báo và trúng tuyển trong cuộc thi phóng viên của báo Thanh Niên. Mới bước vào nghề, tôi như một tay gà mơ. Nhưng nghề dạy nghề, cộng với lòng đam mê, tôi tin chắc sẽ trụ vững với nghề báo”. Anh cũng cho biết thêm, “Mình có thể chọn nơi mình sinh sống chứ không thể chọn nơi mình sinh ra, không thể chọn cha chọn mẹ. Nhưng nếu không phải xuất phát từ miền Trung vất vả, đối diện với nghể báo nhiều thử thách, chắc chắn tôi đã bỏ cuộc từ lâu”. Nhà báo Việt Phương vui vẻ chia sẻ về một kỉ niệm đáng sợ của mình khi tác nghiệp ở Thái Lan: “Lần đó tôi và các đồng nghiệp đang quay về cuộc biểu tình ở Thái. Tôi đứng sau hàng rào quân đội để tác nghiệp, bất ngờ người trong nhóm biểu tình ném đạn pháo ngay sát chúng tôi. May nhờ có hàng rào che chắn mà không bị nguy hiểm gì”.
Nói về chuyện tình cảm, nữ nhà báo duy nhất tâm sự: “Công việc của mình ảnh hưởng nhiều đến chuyện gia đình vì tính chất công việc là giờ giấc không ổn định, phải chạy khắp nơi để săn tin... Nhưng mình tin nếu có bạn đời thì người ta sẽ thấu hiểu cho công việc của mình.”
Các bạn trẻ trong buổi giao lưu tiếp tục thể hiện đam mê, nhiệt huyết cũng như óc sáng tạo của mình qua các câu hỏi. Một bạn sinh viên đề cập đến vấn đề bất hợp tác của những cá nhân bị ảnh hưởng quyền lợi và được các nhà báo tận tình giải thích. Nhà báo Hoài Nam, một người lính làm báo, cho rằng làm trong nghề cần có 4 cái để giữ trước những sóng gió dư luận. Đó là: Giữ mình, Giữ cho gia đình, Giữ cho cơ quan và Giữ cho xã hội. Còn nhà báo Việt Phương thì khẳng định với các bạn trẻ hãy dành hết tâm huyết cho nghề.
Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông cũng có đôi lời nhắn nhủ với các bạn trẻ chuyên ngành báo chí về việc học tập của mình: “Nghề báo có một điểm khác hẳn với các nghề khác, vì khi bạn về một cơ quan tòa soạn, người ta sẽ hỏi: “Bạn sẽ chọn viết về đề tài gì?”. Nếu ngay từ năm nhất các bạn không tích lũy kiến thức về một chuyên ngành nhất định thì khi bước vào nghề sẽ vô cùng khó khăn. Vì vậy, nếu muốn tác nghiệp tốt thì các bạn hãy đầu tư trọn vẹn cho những hoạt động, yêu cầu của khoa ngay từ năm nhất. Còn nếu muốn bài viết của mình có hồn, có chất lượng thì ngay từ bây giờ hãy nghiên cứu, tìm hiểu, tìm tòi về một lĩnh vực chuyên môn thật chắc.”
Các màn biểu diễn văn nghệ trong ngày hội thể hiện đúng bản chất trẻ: năng động, nhiệt huyết. Các bạn sinh viên đã có cơ hội giao lưu và thưởng thức hai giọng ca trẻ: Đức Tuấn, Phạm Quỳnh Anh và Noo Phước Thịnh. Đặc biệt là ca khúc “Ngợi ca Thanh Niên” được chính nhạc sĩ – nhà báo Phan Bá Chức sáng tác dành tặng cho tờ báo của mình. “Thanh niên chúng ta là/ Màu nắng của bình minh/ Thanh niên chúng ta là/ Tờ báo của niềm tin” . Những câu từ vang lên, theo những nhịp điệu sôi động, hào hứng, đậm chất trẻ.
Ca sĩ Đức Tuấn giao lưu tại lễ trao giải
Các em thiếu nhi sôi động cùng lời hát Bài ca ngợi Thanh Niên
Cùng tập hát theo lời nhạc
Cụ bà Nguyễn Thị Như Trâm, một độc giả lớn tuổi của báo, đã rất xúc động khi được dự chương trình. Cụ tâm sự: “Tôi rất xúc động. Mặc dù đã 80 tuổi nhưng tôi vẫn tích cực hoạt động thanh niên. Tôi cám ơn các nhà báo, những gạch nối của cuộc đời. Nhà báo là những người rất công bằng, không phân biệt già trẻ gái trai, tôn trọng và hoạt động hết mình vì bạn đọc”.
Tổng biên tập trò chuyện cùng cụ bà Nguyễn Thị Như Trâm
Ngày hội khép lại trong không khí hết sức thân thiện, tươi vui khi các cán bộ trong tòa soạn cùng với các thí sinh và sinh viên tay trong tay hát vang ca khúc Nối vòng tay lớn.
Tin tưởng rằng, từ những cái xiết tay ấy, báo Thanh Niên sẽ tiếp tục phát triển, vững bước trên con đường đã xây dựng, để hoàn thành tâm niệm “gạch nối của đời” như độc giả trông đợi.
Tin,ảnh: Nguyễn Minh Tùng – Trần Vũ Em (BCK10)